Tình hình đã trở nên căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh APEC sau khi
một phái đoàn Trung Quốc đã ngang nhiên xông vào văn phòng của Bộ trưởng Ngoại
giao Papua New Guinea vào trưa hôm qua. Bốn nhân viên trong phái đoàn Trung
Quốc đã dùng sức mạnh đẩy cánh cửa văn phòng của ông Rimbink Pato để xâm nhập
vào bên trong, sau khi ông Pato từ chối một cuộc họp với họ.
Vấn đề bắt đầu khi phái đoàn Trung Quốc muốn gặp mặt Ngoại trưởng Pato
để đòi hỏi Papua New Guinea phải thay đổi một số từ ngữ và đoạn văn trong thông
báo kết thúc hội nghị APEC. Ông Pato đã nhiều lần từ chối phiên họp bởi vì ông
muốn giữ lập trường không thiên vị của quốc gia chủ nhà là Papua New Guinea.
Điều này đã khiến cho phái đoàn Trung Quốc giận dữ và dùng sức mạnh để xông vào
ép buộc ông Pato phải làm việc với họ.
Cảnh sát đã phải can thiệp để buộc 4 nhân viên ngoại giao Trung Quốc ra
khỏi văn phòng của Ngoại trưởng Pato.
Nguồn tin chính thức của Bộ Ngoại Giao Papua New Guinea cho biết ông
Pato đã không muốn đáp ứng lời yêu cầu của nhóm người Trung Quốc bởi vì quốc
gia của ông là nước chủ nhà và cần phải đứng ở vị thế không được thiên vị.
Nguyên nhân đến từ sự căng thẳng trong hội nghị thượng đỉnh APEC lần này
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã quyết liệt chống
đối sách lược cho vay nợ khủng của Trung Quốc để ràng buộc con nợ. Ông Pence
cho biết Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Úc để xây dựng căn cứ hải quân tại Papua New
Guinea, nhằm ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng vị thế chiến lược có khả năng đe
dọa các căn cứ quân sự miền Bắc nước Úc.
Vì thế phái đoàn Trung Quốc đã muốn áp lực Bộ Ngoại Giao Papua New
Guinea phải soạn thảo thông cáo bế mạc hội nghị được thuận lợi cho Bắc Kinh.
Đây không phải là lần đầu tiên mà phái đoàn Trung Quốc đối xử như vậy
với các tiểu quốc Nam Thái Bình Dương. Trong một hội thảo Pacific Islands Forum
vào tháng 9 vừa qua, phái đoàn Trung Quốc đã đứng lên phản đối và rời bỏ phòng
họp bởi vì người chủ tọa đã giữ thứ tự cho những diễn giả được phát biểu đúng
theo chương trình và không cho phép Trung Quốc được nhảy vào để nói trước. Tổng
thống Nauru, ông Baron Waga, đã bất mãn lên tiếng: "Trung quốc không phải
là bạn của chúng tôi. Họ chỉ lợi dụng chúng tôi cho mục tiêu của họ".
Tình hình càng tệ hại thêm trong hai ngày vừa qua, khi nhân viên an ninh
Trung Quốc đã dùng vũ lực ngăn cản không cho báo chí truyền thông được tham dự
vào một cuộc họp giữa Tập Cận Bình và các lãnh đạo của những tiểu quốc hải đảo
Nam Thái Bình Dương, bất chấp giới truyền thông đã được Papua New Guinea mời
đến để quan sát và thông tin. Chỉ có thông tấn xã CCTV News thuộc đài truyền
hình Trung Quốc được cho vào buổi họp để lấy tin.
Buổi họp này, thảo luận qua bữa ăn tối, đã được sắp xếp bởi phái đoàn
Trung Quốc để Tập Cận Bình nói về sách lược Một Trung Quốc (One China) với 8
lãnh đạo của các tiểu quốc Cook Islands, Fiji, the Federated States of
Micronesia, Niue, Samoa, Tonga và Vanuatu.
Ký giả Gorethy Kenneth của tờ báo Post Courier cho biết nhân viên an
ninh Trung Quốc không ngần ngại bày tỏ thái độ giận dữ đối với sự hiện diện của
báo chí truyền thông không phải người của Trung Quốc đưa đến.
Tarawa Rei, nhân viên đài truyền hình ABC, đã bị đe dọa trong khi quay
phim những hành vì của an ninh Trung Quốc đang xô đẩy phóng viên báo chí. Bà
Rei cho biết: "Chúng tôi quá ngạc nhiên bởi vì chúng tôi muốn biết những
gì xảy ra trong đó giữa các lãnh đạo của đảo quốc Thái Bình Dương và Chủ tịch
nước Trung Quốc".
Dường như phái đoàn Trung Quốc đã coi Papua New Guinea là lãnh thổ của
họ và bọn an ninh Trung Quốc đã quen thói đàn áp tự do báo chí giống như chúng
đã từng làm trong nước.
Trong các đảo quốc Thái Bình Dương, Papua New Guinea là quốc gia nghèo
nhất trong khối APEC với GPD bình quân mỗi đầu người là $2.555 Mỹ kim trong năm
2017 mà lại bị trở thành con nợ lớn nhất của Trung Quốc với tổng số nợ lên đến
$800 triệu Mỹ kim; và tổng số sẽ lên đến $2 tỷ Mỹ kim nếu tính luôn số tiền
viện trợ khoản vay ưu đãi cần phải hoàn trả lại Trung Quốc.
Con số nợ khổng lồ này đến từ những công trình không có tính chất hữu
ích kinh tế lâu dài cho đất nước; điển hình là công trình Đại lộ Độc Lập và cao
tốc Poreporena. Đại lộ Độc Lập dài 1 cây số chạy đâm thẳng vào tòa nhà Quốc Hội
tại thủ đô Port Moresby, xây dựng bởi Trung Quốc với món nợ $16 triệu Mỹ kim.
Người dân bản xứ đặt tên cho đại lộ này là "con đường không đến đâu"
(road to nowhere). Trong khi đó, cao tốc Poreporena dài 8,5 cây số, không có
lưu lượng xe cần thiết, được xây dựng bởi công ty China Harbour Engineering
Company Ltd (Chec) của người Trung Quốc, tổn phí $21 triệu Mỹ kim dưới dạng
viện trợ cho vay ưu đãi bởi Trung Quốc. Bắc Kinh đã gọi cả hai là quà tặng.
Bắc Kinh đã lợi dụng sự yếu kém của chính phủ các đảo quốc như Papua New
Guinea để thiết lập những tiền đồn bao vây nước Úc. Chính phủ hiện nay của
Papua New Guinea đã quá tệ hại trong việc quản trị kinh tế đất nước.
Papua New Guinea hiện đang dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Peter
O’Neill kể từ năm 2011. Thủ tướng O’Neill, đã từng ký kết tham gia Một Vành Đai
Một Con Đường của Trung Quốc, hiện đang bị phe đối lập tố cáo tham nhũng trong
việc xử dụng một công ty riêng của ông, công ty Wild Cat Development, để lấy
thầu các công trình xây dựng cầu đường của chính phủ lên đến $32 triệu Mỹ kim.
Trong hội nghị APEC lần này, chính phủ của ông O’Neill đã bỏ ra $7 triệu
Mỹ kim để mua 40 chiếc xe Maserati và 3 chiếc Bentley loại Flying Spur đắt tiền
nhất để làm phương tiện đưa đón các lãnh đạo quốc tế đến tham dự hội nghị. Ông
Alan Bollards, giám đốc điều hành APEC, đã lên tiếng cho biết: chưa từng bao
giờ các nước thành viên khác của APEC mua xe Maserati để chuyên chở khách quốc
tế. Tuần qua, các dân biểu đối lập Papua New Guinea, gồm có Bryan Kramer, Garry
Juffa, Allan Bird và Sir Mekere Morauta, đã kêu gọi người dân đình công 2 ngày
để chống lại sự tiêu xài hoang phí của chính phủ.
Người dân nghèo của Papua New Guinea thắc mắc không hiểu những chiếc xe
Maserati và Bentley này sẽ được ai xài sau khi hội nghị APEC bế mạc.
Fb Người Đà Lạt Xưa
No comments: